Hình xưa VNCH
Tin tức đó đây
Sách xưa thời VNCH
Hình vui Ảnh đẹp
Thơ vui, chuyện tiếu , mẹo vặt linh tinh ...
Liên kết với FB Nam Ròm để xem Hình Xưa Mời các bạn xem thêm Hình Xưa mà Ròm post mới trên mạng Net FB trước khi post vào Blog này .

26 thg 11, 2014

Hình xưa : Thủy Tổ Báo Chí Việt Nam .

GIA ĐỊNH BÁO  
do Cụ Trương Vĩnh Ký làm chủ biên chính thức được coi là tờ báo thủy tổ của báo chí Việt Nam .
Số 5 ,tờ Gia Định Báo ra ngày 15 tháng 8 - 1865



LƯỢC SỬ BÁO CHÍ VIỆT NAM
TỪ KHỞI THỦY TỚI 1945


VŨ ANH TUẤN
Sau Hòa Ước Nhâm Tuất, được ký vào năm 1862, phía Việt Nam phải mất đứt cho Pháp ba tỉnh Gia định, Biên Hòa và Định Tường, người Pháp bèn lập tức thiết lập và tổ chức hệ thống cai trị ở nhượng địa. Báo chí là một trong những công cụ đầu tiên được người Pháp sử dụng.

Trước năm 1862, trên đất nước chúng ta không có báo, chỉ có một số câu hát, câu vè nói tới một vài sự kiện rất đơn lẻ, ví dụ như vụ Tự Đức khi nối nghiệp Thiệu Trị đã tiếm ngôi của anh là Hồng Bảo, người được người đương thời thương tiếc và nhắc tới với hai câu:  
"Chiều chiều lại nhớ chiều chiều,
nhớ người quân tử khăn điều vắt vai".  
hoặc vụ hai đại thần Tường và Thuyết lộng hành, lập và phế một lúc mấy vua sau khi Tự Đức băng hà với mấy câu hát như:  
"Nhất giang lưỡng quốc nan phân thuyết,
Tứ nguyệt tam vương triệu bất tường".  
Trong hai câu thơ này có cả tên Tường lẫn Thuyết và có nhắc tới việc chỉ có trong có bốn tháng mà có tới ba vị vua bị giết. Có người gọi các câu thơ câu vè này là "Báo Miệng" nhưng thực chất thì chúng không thể được coi là một dạng báo vì chúng chỉ đưa ra những hành động đơn lẻ và không có vẻ gì là một tờ báo, vào thời đó được gọi là "Nhật trình" nghĩa là hàng ngày đưa ra đủ mọi thông tin trong tất cả mọi lãnh vực của xã hội.
Do đó ta có thể nói chỉ từ ngày có sự can thiệp của bọn Pháp thực dân vào nước ta thì chúng ta mới có báo. Và những tờ báo đầu tiên ở nước ta đều bằng Pháp hoặc Hán văn. Tờ thứ nhất lần đầu tiên xuất hiện là tờ BULLETIN OFFICIEL DE L'EXPÉDITION DE COCHINCHINE (Tập san chính thức của cuộc Viễn chinh ở Nam kỳ, cũng có thể gọi là Công Báo của đoàn quân Viễn chinh ở Nam Kỳ) ra đời năm 1862 bằng Pháp văn chỉ chứa đựng toàn những thông cáo, nghị định, quyết định vv… chả có gì liên quan tới những sinh hoạt bình thường của dân chúng, ngoại trừ mấy khoản nói trên. Tờ báo thứ nhì do Thiếu Tướng Hải Quân Bonard cho xuất bản tên là tờ BULLETIN DES COMMUNES (Cáo trình các Làng Xã) được viết bằng chữ Hán và dùng để hiểu dụ quần chúng. Chính vào thời điểm này chính quyền thuộc địa Pháp muốn cho xuất bản một tờ báo bằng chữ Quốc Ngữ, nhưng vì chữ quốc ngữ có dấu nên phải chờ đúc ở bên Pháp, mãi tới cuối năm 1864 mà vẫn chưa xong. Vì thế, trong khi chờ đợi, Trung Tướng Hải Quân Roze cho xuất bản một tờ báo thứ ba là tờ BULLETIN DU COMITÉ AGRICOL ET INDUSTRIEL DE LA COCHINCHINE (Kỷ yếu của Ủy Ban Canh Nông và Kỹ nghệ ở Nam Kỳ). Cụ Trương Vĩnh Ký chính là người Việt Nam đầu tiên làm trợ bút cho tờ báo này. Ít lâu sau KERGUDA sang làm Thống Đốc Nam Kỳ và đã có lời mời cụ Trương ra làm quan, nhưng cụ từ chối và XIN ĐƯỢC RA MỘT TỜ BÁO BẰNG QUỐC NGỮ TÊN LÀ GIA ĐỊNH BÁO. Lời thỉnh cầu của Cụ được chấp thuận và Nghị Định cho phép xuất bản được ký ngày 01-4-1865, nhưng không phải ký cho Cụ mà là cho một người Pháp tên là ERNEST POTTEAUX (một viên thông ngôn làm việc ở Soái phủ Nam Kỳ). Và phải cho đến ngày 16-9-1869 mới có Nghị Định của Thủy sư Đô Đốc OHIER ký giao hẳn tờ GIA ĐỊNH BÁO cho Cụ Trương Vĩnh Ký làm chủ biên. Qua sự việc nói trên tờ GIA ĐỊNH BÁO đã chính thức được coi là tờ báo thủy tổ của báo chí nước ta. 









 Sau tờ GIA ĐỊNH BÁO, là các tờ 

PHAN YÊN BÁO (1868) của Diệp Văn Cương,
 
 Một trang thủ bút của Diệp Văn Cương giải thích ý nghĩa niên hiệu Thành Thái



NAM KỲ NHỰT TRÌNH (Le Journal de Cochinchine) (1885),


MISCELLANÉES ou LECTURES INSTRUCTIVES POUR LES ELÈVES DES ÉCOLES PRIMAIRES, COMMUNALES ET CANTONALES (Thông - loại khóa trình) (1888),

NÔNG CỔ MÍN
ĐÀM (1900), có nghĩa bằng Pháp văn là "Causeries sur l'agriculture et le commerce" mà chủ bút là Cụ Dũ Thúc Lương Khắc Ninh,




Lương Khắc Ninh (1862-1943), tự là Dũ Thúc, bút hiệu Dị Sử Thị, là một nhân vật hoạt động tích cực trong nhiều lĩnh vực văn hóa ở Sài Gòn suốt từ năm 1900 cho đến những năm 1930. Ông là một nhà báo, nhà văn, một người cổ động mạnh mẽ cho thương nghiệp, nhà viết tuồng kiêm bầu gánh hát bội, nghị viên của Hội đồng Tư vấn của Chính phủ Nam Kỳ. Trong lĩnh vực nào ông cũng để lại ảnh hưởng và tiếng tốt.  ( http://vi.wikipedia.org/wiki/L%C6%B0%C6%A1ng_Kh%E1%BA%AFc_Ninh )

LE MONITEUR DES PROVINCES (Nhật báo Tỉnh) (1905), LỤC TỈNH TÂN VĂN (1907) mà chủ nhiệm là Cụ Nguyễn văn Của, Chủ bút là Cụ Lê Hoằng Mưu,

NAM KỲ ĐỊA PHẬN tên tây là "Semaine religieuse" (1909),

NAM TRUNG NHẬT BÁO của Nguyễn Tử Thức,



CÔNG LUẬN BÁO (1916) một tuần ra 2 kỳ vào thứ ba và thứ sáu,

AN HÀ BÁO in ở Cần Thơ năm 1917, tuần báo ra ngày thứ năm,

NAM KỲ KINH TẾ BÁO (1920) tên tây là "L'Information économique de Cochinchine",

NHẬT TÂN BÁO (L'Ere nouvelle) (1922) chủ nhiệm là Cao Hải Để,

ĐÔNG PHÁP THỜI BÁO (Le Courrier Indochinois (1923),

TRUNG LẬP BÁO (Edition annamite de l'Impartial) (1924),

PHÁP VIỆT NHỨT GIA (1927),

ĐUỐC NHÀ NAM (1928) của Cụ Nguyễn Phan Long,

KỲ LÂN BÁO của Bùi Ngọc Thự cũng vào năm 1928,

PHỤ NỮ TÂN VĂN (1929) tuần báo ra ngày thứ năm của bà Nguyễn Đức Nhuận,

THẦN CHUNG (1929) của Diệp Văn Kỳ,

LONG GIANG tên tây là Le Mékong (1930),

ĐÀN BÀ MỚI (1934) của Bà Băng Dương tức Thụy An,

ĐÔNG THINH tên tây là "La voix de l'Orient" (1935), tuần báo của Diệp Văn Kỳ,

ZÂN (1935) của Nguyễn Văn Nhựt,

MAI (1935) của Đào Trinh Nhất,

NỮ LƯU (1936) của Tô Thị Để,

VĂN LANG (1939) của Hồ Văn Nhựt, Hồ Tá Khanh,

NAM KỲ TUẦN BÁO (1942) của Hồ văn Trung tức Hồ Biểu Chánh,

ĐẠI VIỆT TẠP CHÍ (1942) Hồ Văn Kỳ Trân làm quản lý,


BULLETIN DE LA SOCIÉTÉ D'ENSEIGNEMENT MUTUEL DE LA COCHINCHINE (Kỷ Yếu của Hội Khuyến Học Nam Kỳ) (1942),

TIẾN (1945) của Mai V
ăn Bộ.

Tr
ên đây là một số trong những tờ báo ra hàng tháng, hàng tuần hoặc là nhật báo ở Miền Nam.
*********
Bây giờ chúng ta hãy xem ở Miền Bắc thì ra sao?

Ở Miền Bắc phải tới năm 1892 mới có một tờ báo viết bằng chữ Hán do một người Pháp tên là Henri Schneider, chủ nhà in xuất bản; đó là tờ ĐẠI NAM ĐỒNG VĂN NHẬT BÁO, nội dung của tờ này chỉ là những Nghị Định của Quan Thống Sứ và những bài nhằm mục đích hiểu dụ dân chúng. Tờ báo Việt ngữ đầu tiên ở Miền Bắc ra đời năm 1905 và có tên là ĐẠI VIỆT TÂN BÁO do người Pháp tên là E. Babut làm chủ nhiệm, nội dung chỉ nhằm ca tụng những kẻ có quyền có thế, tuy nhiên cũng có một ít bài khảo cứu văn chương nhưng chất lượng rất kém. Báo này mỗi trang được chia hai theo chiều dọc, một bên chữ Hán và bên kia chữ Quốc ngữ. Năm 1907, tờ ĐẠI NAM ĐỒNG VĂN NHẬT BÁO CÓ THÊM PHẦN TIẾNG QUỐC NGỮ VÀ THÊM TÊN BẰNG QUỐC NGỮ LÀ ĐẠI NAM ĐĂNG CỔ TÙNG BÁO. Lời phi lộ cho sự thay đổi và thêm thắt này cho biết: "Kể từ số 793 ra ngày 28-3-1907 tờ báo được chia làm hai phần: Phần Hán văn do Cụ Đào Nguyên Phổ phụ trách, còn phần Quốc Ngữ do Cụ Nguyễn Văn Vĩnh biên tập", để rồi từ một tờ báo chỉ nói về bọn quan lại, tiến lên thành báo nghị luận ra hàng tuần. Số báo đổi mới đầu tiên này mặt ngoài có vẽ hai con rồng (Lưỡng long chầu nguyệt) in toàn bằng chữ Hán và đặt một cái khung ở giữa trong có hai hàng chữ, mỗi hàng ba chữ, để viết sáu chữ ĐẠI NAM ĐỒNG VĂN NHẬT BÁO bằng Hán tự. Mặt trong in toàn bằng chữ Quốc ngữ và đề tựa đề là: ĐẠI NAM ĐĂNG CỔ TÙNG BÁO. Tờ báo đổi mới này đăng những bài có tính cách xã hội, kèm theo một chút thời sự trong nước, cũng như ở nước ngoài, cộng với một số bài xã thuyết dưới ký tên N.V.V., Tân Nam Tử, Đào Thị Loan vv…
Tất cả đều là bút hiệu của Cụ Nguyễn Văn Vĩnh. Đại khái cũng có ý truyền bá tư tưởng Âu Tây nhưng còn ở trong một phạm vi rất hạn hẹp.
Do phạm vi hạn hẹp của cuộc nói chuyện, sau đây tôi xin chỉ nhắc tới những tờ báo đáng nhắc ở Miền Bắc, từ thời điểm đó tới năm 1945. Đó là các tờ: ĐÔNG DƯƠNG TẠP CHÍ (1913) (Edition spéciale du Lục-Tỉnh-Tân-Văn pour le Tonkin et l'Annam) in tại Hanoi, phát hành mỗi tuần vào ngày thứ năm mà chủ nhân là F.H.Schneider và người này đã mời Cụ Nguyễn Văn Vĩnh từ Nam Kỳ trở lại Miền Bắc để làm chủ bút, TRUNG BẮC TÂN VĂN (1913) cũng Cụ Vĩnh làm chủ nhiệm mỗi tuần ra ba số, tên Tây của tờ này là "Gazette de l'Annam", NAM PHONG (1917-1934) (Văn học, khoa học tạp chí) in ở Hà Nội mỗi tháng một kỳ, nhưng từ số 194 (15-4-1934) mỗi tháng hai kỳ. Chủ bút kiêm quản lý: Cụ Phạm Quỳnh; đồng chủ bút: Cụ Dương Bá Trạc, đình bản số 210 ngày 16-12-1934. Tuy nhiên coi như tổng số là 211 số vì số Xuân năm 1918 (được coi là thủy tổ báo Xuân của ta) KHÔNG CÓ ĐÁNH SỐ. Ngoài ra với bộ báo coi như VĨ ĐẠI nhất của Việt Nam này, nhiều người quan niệm là chỉ cần có tới số 192 là đã ĐỦ BỘ, vì sau số 192 tờ báo được giao cho Hán Thu Nguyễn Tiến Lãng vì Cụ QUỲNH vào Kinh làm quan; nhiều người coi rằng từ số 193 cho tới số chót là những số không còn tầm quan trọng của Nam Phong như khi dưới sự lèo lái của Cụ QUỲNH, TẬP KỶ YẾU CỦA HỘI TRÍ TRI (1922) (Bulletin de la Société d'Enseignement Mutuel du Tonkin) phát hành mỗi tam cá nguyệt, VỆ NÔNG BÁO (1923) (Revue agricole en Quốc Ngữ), TRUNG HÒA NHẬT BÁO (1923), ĐÔNG PHÁP (1925) (Edition Annamite de France Indochine), AN-NAM TẠP CHÍ (1926) của Cụ Tản Đà, HÀ THÀNH NGỌ BÁO (1927), TỨ DÂN TẠP CHÍ (1930) tên Tây là "Revue pour tous", PHỤ NỮ THỜI ĐÀM (1933), TÂN THANH TẠP CHÍ (1931) chủ bút là Cụ Nguyễn Trọng Thuật, VĂN HỌC TẠP CHÍ (1932) Chủ nhiệm Dương Tự Quán, PHONG HÓA TUẦN BÁO (1932-1936) ra được tổng cộng 190 số thì bị cấm, Chủ nhiệm là Nguyễn Xuân Mai, Quản lý là Phạm Hữu Ninh, nhưng linh hồn của tờ báo này là Nhất Linh Nguyễn Tường Tam và Tự Lực Văn Đoàn, đây là một trong những tờ tuần báo ấn tượng nhất, hay nhất, tuyệt vời nhất, quy tụ những cây bút, những nhà thơ số một của thời đó cũng như các họa sĩ danh tiếng nhất như Nguyễn Tường Lân, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí vv… Tên Tây của báo này là (Revue hebdomadaire des Moeurs) và chủ trương của nó là "Cười cợt để sửa đổi phong hóa", NHẬT TÂN (1933) của Đỗ Văn tuần báo ra ngày thứ tư, TIỂU THUYẾT TUẦN SAN (1933) của Vũ Công Định, PHỤ NỮ THỜI ĐÀM (1933) mà chủ nhiệm là bà Nguyễn Văn Đa, TIỂU THUYẾT THỨ BẢY (1934), ĐÔNG TÂY BÁO (1935) do Dương Tự Quán làm chủ nhiệm, LOA (1935) do Bùi Xuân Học làm chủ nhiệm, NGÀY NAY (1935) mỗi tháng ra ba kỳ do Nguyễn Tường Cẩm làm chủ nhiệm, sau là Trần Khánh Dư và quản lý là Nguyễn Tường Lân đây là tờ báo cũng của Tự Lực Văn Đoàn làm và là một trong mấy tờ báo tuyệt vời nhất mà làng báo của chúng ta đã có kể từ trước tới nay, với những bài vở thuộc loại hay nhất, những bài xã luận cổ vũ sự đổi mới hay nhất, với những minh họa tuyệt vời nhất, trong đó có những minh họa về Lý Toét và Xã Xệ, về Bang Bạnh, và cuối cùng là với những phụ bản do các họa sĩ danh tiếng nhất Việt Nam như Trần Bình Lộc, Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Huyến, Nguyễn Tường Lân, Nguyễn Cát Tường (Lemur) vv… HÀ NỘI BÁO (1936) do Lê Cường làm chủ nhiệm, ĐÔNG DƯƠNG TẠP CHÍ (1937) do Nguyễn Giang làm chủ nhiệm, TIỂU THUYẾT THỨ NĂM (1937), TIỂU THUYẾT THỨ BA (1937) do Đoàn Như Khuê làm chủ nhiệm, ĐÔNG TÂY TIỂU THUYẾT BÁO (1937) tuần báo do Nguyễn Xuân Thái làm quản lý, LY TAO TUẦN BÁO (1937) do Đỗ Văn Tình làm chủ nhiệm, TIỂU THUYẾT TUẦN SAN (1937) do Lê Ngọc Thiều làm quản lý, VỊT ĐỰC (1938), tuần báo trào phúng ra ngày thứ tư hàng tuần do Nguyễn Đức Long quản lý, TIỂU THUYẾT NHẬT BÁO (1938) do Đoàn Như Khuê làm chủ nhiệm, Đỗ Xuân Mai làm quản lý, ra được tổng cộng 363 số, ĐỌC (1938) do Nguyễn Văn La làm chủ nhiệm, ra được 94 số tức là 94 tuần lễ, CHUYỆN ĐỜI (1938) tuần báo ra ngày thứ bảy do Lê Văn Hoàng sáng lập và Nguyễn Văn Sự quản lý, TAO ĐÀN (1939) bán nguyệt san do Vũ Đình Long làm chủ nhiệm, Lan Khai làm quản lý, sau Nguyễn Triệu Luật thay thế, ra được 13 số và 3 số đặc biệt về Tản Đà, Vũ Trọng Phụng và số về Ba Lan, TRUNG BẮC CHỦ NHẬT (1940) trước do Dương Phượng Dực làm quản lý sau là Nguyễn Doãn Vượng làm, TRADUCTEUR (LE) (1940) Tạp chí chuyên về dịch thuật do Trương Anh Tự làm chủ nhiệm và lo phần Pháp và Việt ngữ, THANH NGHỊ (1941) của Doãn kế Thiện và chủ nhiệm là Vũ Đình Hòe, đây cũng là một trong những báo nổi tiếng nhất trong thời tiền chiến, tuy nhiên báo này nặng về phần pháp lý và lịch sử, và có rất ít minh họa, TRUYỀN BÁ (1941) một tập báo dành cho tuổi trẻ ra ngày 10 và ngày 25 mỗi tháng và mỗi số là một chuyện ngắn trên dưới 32 trang dành cho các bạn trẻ của các nhà văn nổi tiếng mà chủ nhiệm là ông Vũ Đình Long, chủ nhà xuất bản Tân Dân, NHI ĐỒNG HỌA BẢN (1941) tạp chí dành cho thiếu nhi mà chủ nhiệm là bà Phạm Ngọc Khuê và quản lý là Nguyễn Văn Hữu, THANH NGHỊ (phần trẻ em) (1941) mỗi tháng ra 3 kỳ vào các ngày 10, 20 và 30 mà chủ nhân là Doãn Kế Thiện và quản lý là Vũ Đình Hòe, PHÁP-VIỆT (1941) tuần báo văn chương phụ nữ thanh niên chính trị mà chủ nhiệm là một người Pháp tên là Clément Edmond Koch và quản lý là Trần Nguyên Bí, TRI TÂN (1941) Tạp chí văn hóa mà chủ nhiệm là Nguyễn Tường Phượng và quản lý là Dương Tự Quán, đây là một trong những tờ báo hàng đầu trong số khoảng 10 tờ nổi tiếng là đứng đắn nhất với những cây bút như Cụ Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố chẳng hạn, và giờ đây, sau khi đã sơ lược lịch sử báo chí ở Miền Bắc, ta hãy quay trở vào Miền Trung để tiếp tục tìm hiểu.
Miền Trung hay đất Thần Kinh đã chỉ thực sự góp mặt với báo chí nước nhà từ năm 1921 với tờ Tiếng Dân của Cụ Huỳnh Thúc Kháng, tuy nhiên từ năm 1914 đã có một tờ báo coi như tờ báo đi dọn đường ở Miền Trung là tờ báo "LE RIGOLO" (Kẻ ngộ nghĩnh) do một nhóm thanh niên tân học gôm có: Võ Chuẩn, Lê Thanh Cảnh, Phan Văn Tài, Lê Văn Thiết vv… chủ trương, và trong năm 1914, hai học giả pháp là Linh mục Léopold Cadière và Edmond Gras, cùng với một nhóm nhà trí thức Việt Nam đã cùng nhau lập ra Hội Đô Thành Hiếu Cổ (l'Association des Amis du Vieux Huế) và cho xuất bản một nguyệt san nhan đề là NGUYỆT SAN ĐÔ THÀNH HIẾU CỒ (Bulletin des Amis du Vieux Huế) chuyên khảo cứu về lịch sử, chính trị, nghệ thuật tôn giáo và kinh tế xã hội, đây cũng là một bộ báo nằm ở hàng đầu trong các báo chí của Việt Nam, ĐẶC BIỆT LÀ BỘ BÁO NÀY LÀ BỘ BÁO DUY NHẤT CHỈ HOÀN TOÀN NGHIÊN CỨU VỀ VIỆT NAM và những bài nghiên cứu đều do những cây bút lỗi lạc, uyên thâm nhất. Mười ba năm sau, vào năm 1927 báo TIẾNG DÂN ra đời và kế sau đó là các báo THẦN KINH TẠP CHÍ (1927) của Lê Thanh Cảnh, có phụ trương tiếng Pháp, TRÀNG AN BÁO (1932) của Cụ Bùi Huy Tín do Cụ Phan Khôi làm Chủ Bút, KIM LAI TẠP CHÍ (1932) của Cụ Đào-Duy-Anh, đặc biệt là tờ báo này có mục đích chính là khuếch trương việc bán Dầu Khuynh Diệp của hãng Viễn Đề, PHỤ NỮ TÂN TIẾN (1933) do Cụ Hồ Phú Viên sáng lập với sự cộng tác của người con gái là bà Hồ Thị Thục cùng với chồng là Nguyễn Tấn, TIÊN LONG (1933) do Bà Lê Thành Tường chủ trương, trong khi chồng bà, ông Lê Thành Tường làm bí thư cho Khâm sứ Châtel, NHÀNH LÚA (1935) do Nguyễn Khoa Văn tức Hải Triều chủ trương, SAO MAI (1935) do Trần Bá Vinh chủ trương với sự cộng tác của Tiêu Viên Nguyễn Đức Bính, ÁNH SÁNG (1936) của dân biểu Nguyễn Quốc Túy, VIÊN ÂM (1936) cơ quan của Hội Phật Giáo Việt Nam do Bác sĩ Lê Đình Thám chủ trương, VÌ CHÚA (1936) cơ quan của Công giáo do Linh Mục Nguyễn Văn Thích cùng với sự cộng tác của Michel Phan Huy Đức và Bùi Tuân, LA GAZETTE DE HUẾ (1936) (Nhật báo của Huế) do Bùi Huy Tín và Ông Phạm Văn Ký chủ trương và viết bằng Pháp văn, KINH TẾ TÂN VĂN (1936) của Phạm Bá Nguyên, CƯỜI (1936) tuần báo trào phúng của Trần Thanh Mại và Lê Thành Tuyển, SÔNG HƯƠNG (1936) của Phan Khôi với sự cộng tác của Phan Nhung và Nguyễn Cửu Thanh, LES RESPONSABLES (1936) (Những người có trách nhiệm), đặc san bằng Pháp văn của nhóm trí thức tân học như Nguyễn Huy Bảo, Nguyễn Thúc Hào, Tạ Quang Bửu, Nguyễn Lân nhằm mục đích phổ biến văn minh Âu Mỹ, nhóm này tự cho là mình có trách nhiệm phải lãnh đạo quần chúng, GIÁO DỤC TẠP CHÍ (1941) nguyệt san viết bằng Pháp và Việt Ngữ do Nguyễn Khoa Toàn làm chủ nhiệm.
Chúng ta đã vừa cùng nhau "cưỡi ngựa xem hoa" qua vườn báo chí Việt Nam Nam Bắc Trung, và vì hiểu biết của tôi chỉ có hạn, tôi xin được kết thúc cuộc nói chuyện ở đây.


27/5/2007
_________________________________________

Tài Liệu Tham Khảo
- Mục lục Báo chí Việt Ngữ 1865-1965 cua Cụ Lê Ngọc Trụ - Saigon 1966

- Thư Tịch Báo Chí Việt Nam - của PGS-PTS Tô Huy Rứa - NXB Chính trị Quốc gia - Ha Noi 1998

- Nghề Báo của Tế Xuyên .

- Bibliographie Annamite - Livres, Recueils périodiques parus depuis 1866 - publiée par le Comité Agricole et Industriel de la Cochinchine.

- Bibliotheca Indosinica par Henri Cordier - Paris 1912-1914 en 4 volumes.

Nguồn : http://newvietart.com/index4.724.html

___________________
Hình Báo Xưa trước 1945 chưa chọn 



Phụ Nữ Tân Văn 1933
 
 Một trang trên báo xuân 1933 của Phụ Nữ Tân Văn


Phụ Nữ Tân Văn số xuân 1932


báo Lục Tỉnh Tân Văn số đầu tiên năm 1907






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hình ảnh xưa gom về từ mọi nơi trên mạng Net ,không phải của Ròm ,không thuộc về Ròm .Các bạn cứ tự nhiên lấy về để xem ,để cho bạn của các bạn xem hay làm tư liệu ..... sao cũng được hihi .Phần nhiều hình xưa từ trước 1975 và một ít hình xưa thuộc về cận sau 75 . Về nguồn hình đem về thì có cái có có cái không đó là do khi có khi không và "quên" cái việc "Nguồn Hình" hehehe Thông cảm nha .

Bấm vào dưới avata "Tham gia trang web này " để có thể biết bài mới của Ròm


Những bài đăng trong tầng lầu này