Hình xưa VNCH
Tin tức đó đây
Sách xưa thời VNCH
Hình vui Ảnh đẹp
Thơ vui, chuyện tiếu , mẹo vặt linh tinh ...
Liên kết với FB Nam Ròm để xem Hình Xưa Mời các bạn xem thêm Hình Xưa mà Ròm post mới trên mạng Net FB trước khi post vào Blog này .

26 thg 12, 2014

“Thơ lính chiến miền Nam” của một thời .

Thời nào cũng vậy, người đọc thơ bao giờ cũng ít, nhất là đọc thơ của lính. Sinh viên học sinh hay công chức lại thường ít đọc thơ lính hơn cả. Thế giới dân sự và thế giới của lính khác biệt nhau quá đến nỗi có thể gọi là “bất đồng cảm” (?)

Lính mà đọc thơ lính thì hiểu và thương, thương thân và thương những đồng đội của mình.

Tôi cũng đã là lính, nên đã đọc nhiều thơ lính… Từ đó, tôi đã sưu tầm, chọn ra 125 bài thơ của 51 tác giả mà tôi chủ quan cho là “xuất sắc” để giới thiệu cho những độc giả “có điều kiện” đọc và thích đọc thơ lính. Tôi thực hiện một tập thơ nhỏ bé, tự in bằng thủ công rất thô sơ, có hình thức rất bình dân - mang tựa là “Thơ lính chiến miền Nam”.

Tập thơ mỏng chỉ dầy 110 trang, trình bày đơn giản, nhưng trong đó có lửa, máu, mồ hôi… và nước mắt của lính và dân, cả hai miền Nam, Bắc.

Đây không phải là một tuyển tập đầy đủ những bài thơ chiến đấu của những tác giả nổi tiếng hoặc vô danh của quân đội miền Nam. Đây chỉ là một sưu tầm nhỏ của một độc giả bình thường, một người lính đọc những bài thơ của lính. (Trích Lời Mở Đầu tập thơ)

Thơ lính chiến miền Nam gồm một số bài thơ của lính tác chiến QLVNCH. Họ là những người mà trong cuộc chiến đã phải mang vác những hành trang của người đi đánh trận: ba-lô, nón sắt, súng dài, súng ngắn, bản đồ, địa bàn… Họ có thể là một người lính đóng quân ở một tiền đồn xa xôi, ở một căn cứ hỏa lực, hoặc ngày ngày lặn lội hành quân trên khắp nẻo đường quê hương Việt Nam khốn khổ.

Họ không phải là lính thành phố, hoặc quan văn phòng… Họ phải đi xa nhà, xa những thành phố, xa những tiện nghi và thú vui… Họ đi để chiến đấu, đổ máu và chết… ở những miền đất xa xôi, lạ lẫm dọc chiều dài đất nước.

Hãy nghe nỗi buồn xa nhà của một người lính:

“... Đèn xanh thành phố xa trông
Hoang vu anh đứng mà lòng chiêm bao
Mưa rừng tiếng lá xôn xao
Tay ôm súng lạnh buồn sao là buồn!...”
(Đêm mưa hành quân - Bùi Khiết)

Và nỗi nhớ người yêu của một tác giả có bút hiệu là Dã Nhân:

“…Những lúc ngồi buồn trên chiến đỉnh
Nắng lên ta thấy nhớ trong lòng
Người yêu tóc xõa tình lưu xứ
Biền biệt chiều xưa mưa trắng sông...”
(Uống rượu với Duyên ở Thạnh Phú Đông - Dã Nhân)

Với người lính trẻ, độc thân như Nguyễn Văn Ngọc, là chút bâng khuâng nghĩ đến người yêu cũ khi dừng chân, ngồi nghỉ trong một quán cóc ven đường:

“…Phố nhỏ đìu hiu buồn như thể
Cô hàng, đôi mắt ướt, xa xăm
Cũng tóc xõa vai cho ta nhớ
Người yêu xưa giờ đã mù tăm...”
(Viết trên đường chuyển quân - Nguyễn Văn Ngọc)

Trước khi nhập ngũ, những người lính này có thể đã là một học sinh vừa xong trung học, một sinh viên đã tốt nghiệp hay dở dang đại học, một thầy giáo, một kỹ sư hay một giáo sư khoa bảng… Dù độc thân hay đã lập gia đình, họ đều còn rất trẻ, đang tuổi thanh xuân với nhiều mộng tưởng. Họ đã làm thơ, viết văn từ trước khi vào lính:

“…Em đâu ngờ giờ đây ta làm lính
Ngày tháng trên lưng từng vết đạn thù
Chút thi thơ xưa cũng đành thất lạc
Ngó lại mình mới biết đời đã hư…”
(Thư gửi vị hôn thê không cưới được - Hoàng Lộc)

Đó là lời trần tình của một thầy giáo đã phải nhập cuộc- làm lính- đã lỗi hẹn với người yêu của mình; vì chiến tranh nên không thể tính chuyện “trầu cau” được.
Vì “đời đã hư”; nghĩa là:


“…Ta bây giờ chẳng còn ham sự nghiệp
Những lúc buồn tình mắt ngó hư không
Riết cũng quen đi với niềm tịch mịch
(Đứa tài hoa xưa lạc dấu muôn trùng)
(Thư gửi vị hôn thê không cưới được - Hoàng Lộc)

Đó! Cái giấc mộng sự nghiệp bình thường đã bị cắt đứt từ khi “làm lính”. Làm lính một thời gian có khi “đứa tài hoa” kia còn biến thành một con người khác. Đó là lúc người lính tự thấy mình xa lạ, lạc lõng khi trở về:

“…Với màu da đen xám
Tôi ở chiến trận về…
……………………
Không còn gì nữa cả
Để cho em sau này
Anh con người xa lạ
Giữa cuộc đời hôm nay…”
(Người xa lạ- Huy Lực)

Vì người lính chiến nào cũng “Áo trận sờn vai, giầy sault bụi bám…” như lời một bài hát:

“…Em đừng hỏi ở rừng có gì lạ
Có gì đâu giầy áo đó hôi rình
Khi về phố chắc ta thành khách lạ
Thành người điên với dáng thú buồn tênh…”
(Thư gửi người ở lại - Trần Dzạ Lữ)

Nguyễn Sinh Từ còn mô tả “người xa lạ” là bản thân mình với những nét rất cụ thể:

“…Ta để tóc để râu như hiền triết
Về phố phường trông dáng rất hung hăng
Người tình cũ ngỡ rằng ta đi biệt
Nên đôi giầy há mõm bước lang thang…”
(Trần tình - Nguyễn Sinh Từ)

Chiến tranh có thể biến những người trẻ tuổi “bạch diện thư sinh” thành những con người khác sau khi đã cắt đứt những mộng tưởng của họ. Nhưng dù muốn hay không, họ vẫn phải nhập cuộc, đơn giản vì đó là trách nhiệm của người trai trong lúc đất nước đang cơn qua phân, ly loạn. Ra đi, họ không còn dám mơ ước gì cho chính bản thân mình; bởi tương lai đã quá mù mịt, như xác định rõ ràng của Vũ Hoàng:

“…Như người biết ta có nhiều mơ ước
Mà bây giờ đâu phải lúc ước mơ
Ta lặng câm cúi mặt đợi chờ
Như tử tội đợi đến giờ hành quyết…”
(Mưa xuân ngoài biên khu - Vũ Hoàng)

hoặc bi quan như Nguyễn Ngọc Nghĩa:

“…Em đừng chờ cho anh thôi thương xót
Là ra đi anh còn mãi vườn xanh
Môi em lạ chiều nào thơm trái ngọt
Là ra đi anh biết mộng không thành…”
(Loài chim trắng còn xa - Nguyễn Ngọc Nghĩa)

Nhưng, những người lính này lại đều có chung một ước mơ: chiến tranh chóng kết thúc, và thanh bình trở lại… Họ tham dự vào cuộc chiến để chỉ mong điều đó:

“…Một đêm tôi mơ thấy mình về quê
Ôi thật là sung sướng!
Tôi ngồi trên một cánh đồng
Tôi nằm trên một bờ ruộng…”
(Mơ thấy - Vũ Thúy Thụy Ca)

để có thể trở về với vợ con như lời thơ của Nguyễn Cát Đông:

“…Một mai trả súng lại đời
Ta về ngủ thiếp bên người tình chung
Bên ta con ngủ an lành
Bên ta vợ bỗng trở mình, gọi: Anh!...”
(Thư cho vợ con ở Cần Thơ - Nguyễn Cát Đông)

Không chỉ là mơ ước một “thanh bình riêng rẽ” - một separate peace của viên trung úy Henry và cô y tá Catherine trong A Farewell to Arms của Hemingway - mà còn là mơ ước xây dựng lại đất nước khi thanh bình:

“…Lúa có nghĩ rằng ngày mai sẽ khác
Súng sẽ dùng để đúc lưỡi cày
Mỗi ba trăng lúa vàng tròn hạt
Chim sẽ ca và gió thổi lúa say…”
(Đêm kích dưới chân đồi Pá - Nguyễn Dương Quang)

Những người lính này đã mơ ước như bao người Việt Nam mơ ước. Họ không tìm công danh trong đời lính. Đại đa số tác giả của những bài thơ trong tập thơ này là những sĩ quan trừ bị, nghĩa là nhập ngũ theo lệnh tổng động viên từng thời kỳ… Họ không tình nguyện, họ chỉ thi hành nhiệm vụ khi được gọi. Ra đi, họ đã có vô vàn những nỗi phân vân:

“…Hình như cây súng con lạ lắm
Sao nó run lên khi đạn lên nòng
Tâm hồn nó như tâm hồn con vậy
Một kẻ nằm, kẻ đứng, xót xa không?...”
(Đêm cuối năm viết cho má - Nguyễn Dương Quang)

Và sự hoài nghi trở thành những câu hỏi:

“…Ra đi làm lính - Ừ đi lính!
Đi để xa nhà đi đến đâu?
Thiếu vắng bàn tay làm rượu ấm
Ta người kiêu bạc khóc thương đau…”
(Ba năm làm lính về Dakto - Lâm Hảo Dũng)

Là một câu hỏi về cuộc đời của chính mình:

“…Tôi nhìn tôi những phân vân
Đời trai giờ chỉ có ngần ấy sao?...”
(Phiên gác đêm - Chu Trầm Nguyên Minh)

Trong khi người lính vẫn biết những gì chờ đợi ở phía trước:

“…Bỏ đằng sau thành phố với cuộc đời
Và không biết bao nhiêu điều muốn nói
Anh ngửa mặt xin Trời cho nhận tội
Về rừng tên sắp sửa bắn ra này…”
(Khởi hành - Lữ Quỳnh)

Và cả những ngày dài sắp tới:

“…Vẫn bản đồ đút trong ngực áo
Hỏa tập chi chít băm vằm
Đời đóng khung trong những ô vuông
Và phận người một hàng tọa độ
Vẫn địa bàn đong đưa trước mặt chỉ đường…
Nhưng bắt đầu đưa chân
Thế hệ mình đã lạc…”
(Về những ngày sắp tới - Nguyễn Phan Thịnh)

Là những người lính có học - nếu không gọi là trí thức - và có tâm hồn; khi đã vào lính, họ không thể nào thôi không làm thơ. Cái hoàn cảnh sống-chết của họ đặc biệt quá. Những trải nghiệm của họ phong phú quá, như Chinh Yên đã viết:

“….Tôi đã đi giáp vòng thiên địa
Gặp lại tôi cuối chặng phong trần
Trái đất tròn quay riết cũng mòn
Tôi cũng thế đã mòn quá nửa….”
(Chờ đợi điều chi rất lạ thường - Chinh Yên)

Những trải nghiệm đó thường khi rất tàn bạo:

“…Anh bới sâu lòng đất
Chôn xác những thằng người
Những thằng người bất hạnh
Trong một nội chiến tương tàn phi lý và bẩn thỉu…”
(Nơi anh đồn trú - Huỳnh Hữu Võ)

Sự tàn bạo không tránh được trong chiến tranh:

“….Ta pháo gầm vang một góc rừng
Đồi tây giặc khiếp ngắm đồi đông
Những ai trong phút kinh hoàng ấy
Tay súng trang nghiêm mắt trợn trừng…”
(Ngày về Benhet - Lâm Hảo Dũng)

Nhiều khi nạn nhân lại là những thường dân vô tội:

“…Có mẹ già bỏ nhà chạy mang cháu nhỏ
Những đoàn người ngơ ngác chạy trốn chiến tranh
Đạn bỗng rơi và thêm nhiều người ngã xuống
Lòng người ở đây như biệt dạng mất tăm…”
(Mưa và nỗi chết ở An Lộc - Nguyễn Tiến Cung)

Chiến tranh nào không gây ra chết chóc, đổ vỡ. Nỗi buồn này đã trở thành chua xót khi đây lại là một cuộc nội chiến:

“…Anh ở miền Nam lạc đến đây
Còn quân phương Bắc ngủ xuôi tay
Chiến tranh như thể trò tiêu khiển
Của lũ con buôn xác chết này…”
(Ngày về Benhet - Lâm Hảo Dũng)

Nhưng, người lính chiến miền Nam - với trái tim của con người còn trọn vẹn “nhân chi sơ tính bản thiện” vẫn cứ thấy trong lòng áy náy, không yên, để phải lên tiếng biện hộ cho chính mình:

“…Ta mang súng trường tưởng săn chim săn chuột
Một đôi khi ta lỡ dại săn người
Ta biết chắc Phật Trời không chấp nhất
Không bắn người người cũng bắn ta thôi…”
(Trần tình - Nguyễn Sinh Từ)

Là những con người có lương tri, làm sao có thể dửng dưng trước những cảnh tượng đáng sợ như thế này:

“…Khi ngã tư đưa vào nhà mỗi tối
Xác chết cong queo ruồi nhặng mọc đầy
Con đường nào dẫn em qua một buổi
Sẽ không nồng mùi máu rợn ma trơi?...”
(Viết trong cơn biến động Mậu Thân - Phan Nhự Thức)

Nếu trong ca khúc, Trịnh Công Sơn đã viết: “Mẹ vỗ tay reo mừng xác con…” thì Phan Nhự Thức - một người lính chiến làm thơ - đã không dằn được nỗi hờn tủi khi viết ra những câu thơ này:

“…Khi chiến thắng đã đo bằng mạng sống
Người hân hoan trên thây chết ngậm ngùi
Ta xin chém nát thân người yêu dấu
Quà xuân đây cũng góp giọt reo vui…”
(Viết trong cơn biến động Mậu Thân - Phan Nhự Thức)

Người lính mang tên Nguyễn Tiến Cung còn chứng kiến những cái chết “đủ kiểu”:

“…Mưa đổ quanh mặt trận đầy thây người chết
Xác vắt trên kẽm gai, xác vắt cạnh hào
Xác cúi khom khô cứng, xác gầy như bệnh
Mưa trên xác chết trời chẳng chút nghẹn ngào…”

Cho nên, anh đã viết thêm:

“…Có người tình đứng nhìn người yêu chết trận
Vẻ hãi hùng còn in trên đôi mắt quầng thâm
Anh đứng giữa cơn mưa đầy tràn cảm xúc
Lòng người ở đây như biệt dạng mất tăm…”
(Mưa và nỗi chết ở An Lộc - Nguyễn Tiến Cung)

Nếu không phải là lính trận - và có những trải nghiêm của lính trận - khó có thể viết ra được những câu thơ như vậy. Những người lính này đã làm thơ để mô tả những gì mình thực sự trải qua và nói lên những cảm xúc của mình, những cảm xúc đầy ắp tình người mà, nếu không được hấp thụ một nền giáo dục đề cao nhân bản, khó lòng viết ra được. Họ đã viết ra được, và viết quá hay.

Những bài thơ này còn bày tỏ - rất thường xuyên - nỗi ám ảnh cái chết không rời từng giây từng phút, cái chết của chính họ - những người lính trận:

“…Uống đi Khoa đời mấy thằng chung thủy
Uống đi Ngư cho chết ngất thiên thu
Giữa đời ta không phân biệt bạn thù
Chuyện sinh tử là chuyện từng giây phút…”
(Khi xa Bình Tuy - Trần Văn Sơn)

Đành rằng “cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi”, lính trận có chết cũng là chuyện bình thường; nhưng thử hỏi, nghĩ đến cái chết của chính mình ai mà không ngậm ngùi?

Hãy nghe thái độ của từng người khi nhắc đến cái chết của chính mình.

Chuẩn Nghị, một người lính đã tử trận năm 1969, trước đó đã có linh cảm thật buồn:

“…Anh trở về trong chiều hoang chiếu nắng
Trong hòm gỗ hoặc trên chiếc băng ca
Anh trở về nằm giữa vòng hoa
Những vòng hoa tang chan hòa nước mắt…”
(Kỷ vật - Chuẩn Nghị)

Huỳnh Kim Sơn thì mong được uống rượu với bạn, như một kỷ niệm, rồi “tới đâu hay tới đó”:

“…Ta mời bạn đúng chiều ba mươi Tết
Ghé hầm ta uống chén rượu tàn năm
Để mai mốt lỡ mình an phận chết
Vẫn ghi đời kỷ niệm buổi liên hoan! …”
(Chén rượu chiều ba mươi - Huỳnh Kim Sơn)

Lâm Hảo Dũng lại có mong muốn được chết rất hồn nhiên:

“…Mai ta cắt tóc thay đời mới
Hát thật hồn nhiên dưới lá cờ
Xin chết hôm nay đầy bóng tối
Còn hơn mai chết chẳng ai đưa…”
(Ba năm làm lính về Dakto - Lâm Hảo Dũng)

Còn Luân Hoán thì, sau cái chết của một đồng đội, đã tự hỏi:

“…Nam ơi, Đức Phổ trưa nay vắng
Biển lặng ngồi không, xót phận mày
Ngày mai nhổ trại lùng Đức Phụng
Đến lượt ta, hay đứa nào đây?...”
(Bàn giao cho bạn địa bàn… - Luân Hoán)

Ngô Đình Khoa khi tả lại những nhọc nhằn của đời lính cũng không thể không nghĩ đến cái chết của mình:

“…Nón sắt thay nồi thuốc bồi mồi lửa
Cơm dọn ra nửa sống nửa khê vàng
Miếng được miếng không nuốt ngày sống vội
Như nữa đây chết vội đến phiên chăng?...”
(Lính thú - Ngô Đình Khoa)

Nhưng người lính không muốn bỏ thân nơi xứ lạ như một tên lính lê dương:

“…Quân trú Ba Thu hơn một tháng
Ghẻ cóc mụn nhang lạ nước thay da
Tim với óc hỡi ơi còn chết được
Ngày lui quân xin xác gửi quê nhà…”
(Ba Thu - Ngô Đình Khoa)

Giọng thơ nghe thật hào sảng và bi hùng!

Cũng có lúc, người lính mềm lòng không dám nghĩ thêm về điều bất hạnh này:

“…Ở làng này không ai đốt pháo
Đêm thật buồn như bước đông đi
Con còn có ít giờ hưu chiến
Biết đâu chừng, thôi nghĩ làm chi…”
(Đêm cuối năm viết cho má - Nguyễn Dương Quang)

Nguyễn Tư khi đi hành quân qua một ngôi làng của người con gái anh quen đã bâng khuâng:

“…Em về dưới tỉnh hiền ngoan
Có người vừa mới qua làng em đây
Một mai về lại nơi này
Biết đâu người đã phơi thây chiến trường…”
(Chuyển quân đêm qua sông Đà Rằng - Nguyễn Tư)

Còn Nguyễn Văn Ngọc thì nhắc đến cái chết của mình rất thản nhiên:

“…Tạm biệt nhé xuồng máy đã tới
Tao phải đưa con cái qua sông
Nếu chưa chết, mình sẽ gặp lại
Nhậu quắc cần câu giữa phố đông…”
(Chờ xuồng qua sông tình cờ gặp bạn - Nguyễn Văn Ngọc)

Đúng là phong thái của một sĩ quan nhà nghề, đã chọn võ nghiệp thì phải xem cái chết “nhẹ như lông hồng”! Nhẹ nhàng quá!

Phạm Ngọc Lư lại có vẻ chua xót:

“Mười nắm gạo trộn vài vốc muối
Đeo lên vai nặng nghĩa đầy ơn
Mai ta bỏ thân ngoài sạn đạo
Xin tình em một mảnh đất chôn…”
(Đất trích - Phạm Ngọc Lư)

Còn người lính đa cảm như Trần Hoài Thư thì chỉ mong có được những giọt nước mắt tiếc thương:

“…Cô hàng cho xin ly cà phê nhỏ
Tôi uống cho đầy đôi mắt trong
Một mai tôi chết bên trời Bắc
Em làm sao được khóc bên song…”
(Cô hàng cho xin ly cà phê nhỏ - Trần Hoài Thư)

Lính là nghèo, “5 đồng 3 cọc”, lãnh lương xong thì “tiền lính-tính liền”! Làm lính tác chiến thì ngoài cái mặc cảm chết chóc còn có thêm cái mặc cảm nghèo nàn. Người lính nghèo Trần Dzạ Lữ nghĩ về cái chết của lính rất thực tế:

“…Xa em nhớ tháng thương ngày
Ngó ra bè bạn một bầy cô đơn
Mùa xuân châu giọt đầu non
Lương chưa lãnh kịp biết còn sống không?...”
(Chiều tôi - Trần Dzạ Lữ)

Thật là thương cho người lính chiến! Cái chết của họ - nếu xảy ra - thì cũng là một thực tế mà những người thân yêu của họ phải chấp nhận; vì thế, chuyện tiền lương, tiền tử tuất là một cái gì còn thực tế hơn nữa, số tiền đó cần được lãnh đủ, để giúp cho vợ con họ có thể sống“có cái mà ăn” trong những ngày tháng sau đó. Hãy nghe Tô Nhược Châu nhắn lại vợ:

“…Hãy ngủ yên đừng đợi chờ nghe em
Mười hai tháng lương sau cùng là gia sản
Anh đi không về em giữ lấy nuôi con…”
(Lời cho vợ con trước giờ hành quân - Tô Nhược Châu)

Yên Bằng cũng có cùng tâm trạng:

“Em hãy lãnh dùm ta mười hai tháng lương
Sau khi trừ đi tiền nước tiền trà
Đem đổi lấy thịt da người chết trận…”
(Gửi người vợ lính sư đoàn 21 bộ binh - Yên Bằng)

Đã hiển nhiên, đây là những bài thơ chân thật và đầy chất lính trận.Hãy xem hào khí của Hà Thúc Sinh khi gặp bạn:

“…Hãy cụng ly chết bỏ
Tôm cua cá lươn sò
Lương ta còn nguyên vẹn
Còn cả cái Seiko…”
(Nào có sá gì - Hà Thúc Sinh)

Và nét kiêu bạc của Lâm Hảo Dũng:

“…Ta vẫn thênh thang đùa với rượu
Uống đi ta sẽ có quê nhà
Uống đi chiến thắng vang lừng lắm
Ta uống dường như để tiễn ta…”
(Khi ở trung đoàn 42 - Lâm Hảo Dũng)

Phạm Quang Ngọc an ủi bạn như sau:

“…Ê thằng gà chết sao mày khóc
Uổng phí hiên ngang cả một trời
Lính trận hề chi ba lẻ tẻ
Dẫu đời sương khói sắp ra khơi…”
(Ly chiến sĩ – Phạm Quang Ngọc)

Những người lính này cũng không cường điệu, hay bi thảm hóa hoàn cảnh sống và chết của họ:

“…Ê mậy cùng tao cụng hết ly
Đời người rồi cũng một lần đi
Uống say nằm chết trên lưng ngựa
Tráng sĩ hề chê góc nhị tỳ!”
(Ly chiến sĩ - Phạm Quang Ngọc)

Họ cũng không nói “thánh tướng” hay đại ngôn. Ngôn ngữ thi ca của họ biểu hiện tinh thần khai phóng và cái bầu không khí tự do mà họ đã được hít thở. Những lời thơ này, nhờ đó, rất phóng khoáng đáng yêu, như lời thơ của Chinh Yên khi so sánh hoàn cảnh của mình với hiền sĩ Nguyễn Bỉnh Khiêm:

“…Hiền sĩ có trăng treo đầu ngõ
Để lâu lâu ngắm nghía đỡ buồn
Tôi có gì đâu ngoài súng nhỏ
Máng đầu giường chạm gió kêu khan…”
(Ứng chiến, đọc thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm - Chinh Yên)

Và rất đơn giản như Nguyễn Văn Ngọc nói về sự may mắn còn sống sót của mình và đồng đội:

“…Địch lúc này mở nhiều mặt trận
Cũng như mày, tao lội triền miên
Bạn cùng khóa, bao nhiêu thằng rụng
Mình còn đây chắc tại số hên?...”
(Chờ xuồng qua sông tình cờ gặp bạn - Nguyễn Văn Ngọc)

Trong địa ngục chiến tranh, người lính Huỳnh Hữu Võ ví mình như con bọ hung, một giống loài quá hèn mọn:

“Nếu rừng Thái An đạn bom không dẫm nát
Thì rượu nếp than sẽ đốt cháy tơi bời
Anh hiên ngang như con bọ hung lửa
Xới tan tành mấy bãi cứt trâu khô…”
(Khi anh hành quân - Huỳnh Hữu Võ)

Lời thơ thật ngang tàng nhưng không ngang ngược, như thái độ sau đây của Nguyễn Sinh Từ:

“…Ta hái hoa rừng ngỡ em chưa phụ
Ta gọi bạn bè ngỡ đứng sau lưng
Ta ném đời ta trong cơn binh lửa
Như ném cây khô đốt lá soi rừng…”
(Trần tình - Nguyễn Sinh Từ)

Cũng có giọng thơ rất hào hiệp nhưng không phách lối:

“…Lòng ta sẽ nở ngàn hoa mới
Tặng cho nhân loại một ngày mai
Khi bom đạn không còn vang nổ
Khi ta nhìn thấy lửa tương lai…”
(Khi dắt quân đi tắm biển - Trần Đắc Thắng)

Cũng có lúc những lời thơ lại vô cùng mềm yếu và đầy tình cảm…với những nỗi buồn, niềm khát khao, ham muốn…của những con người, rất người.

Hãy nghe những thèm muốn của Lê Công Sinh:

“...Mấy tháng rồi tao chưa thấy Saigon
Mấy tháng rồi tao không được hôn em
Tao thèm làm tình như tao thèm sống
Tao thèm hôn em hôn liên miên…”
(Người về - Lê Công Sinh)

Và lời xin rất cảm động của Trần Yên Hòa:

“…Cho tôi ngủ nhà một đêm
Để nghe hơi thở của vợ, của con mùi nước tiểu thương yêu
đã từ lâu tôi thèm muốn
Âu yếm nào trên môi
Hãy cho tôi lời xin thật nhỏ
Một lần rồi thôi
Đã từ lâu ba hằng nhớ các con
Như đã khóc một mình”
(Lời xin - Trần Yên Hòa)

Cùng với súng ống, hào lũy và bom đạn, không gian thi ca của họ - những người lính làm thơ - tràn đầy những ly rượu và… tiếng chửi thề… thể hiện cái tâm trạng bức bối, căng thẳng… của đời lính trận ăn bờ ngủ bụi, sống nay chết mai:

“…Làm cạn cốc này đi thằng bạn
Để lâu rượu nhạt uống không ngon
Ba năm trôi nổi miền quan ải
Không lẽ mày chưa đủ trí khôn?”

Để rồi:
“…Chinh chiến tạm quên đi thằng bạn
Mềm môi đù má cuộc đời chơi”
(Uống rượu với Duyên ở Thạnh Phú Đông - Dã Nhân)

Có người lính có tửu lượng khá cao như Huỳnh Hữu Võ:

“…Đặc lệnh hành quân bảy ngày “cơm no áo ấm”
Bảy ngày đi năm lít rượu trong người
Mở nắp bi-đông cho hơi nồng trận mạc
Cho đất trời một vũng dưới chân anh…”
(Khi anh hành quân - Huỳnh Hữu Võ)

Lính cũng phải uống rượu để mừng lệnh ngừng bắn trong dịp Tết:

“…Xin hãy cạn chén này - thêm chén nữa
Rừng hoang vu cỏ dại cũng lên hoa
Trong giây phút bình an còn mở cửa
Ta ngồi nghe tim trỗi những lời ca…”
(Chén rượu chiều ba mươi - Huỳnh Kim Sơn)

Và uống, trước khi lên đường:

“…Khi ly rượu này chưa làm đắng môi
Thì anh sẽ…em ơi…còn uống nữa
Lần thứ nhất trong đời không lần lữa
Uống cho say còn tiếp tục lên đồi…”
(Khởi hành - Lữ Quỳnh)

Trong lúc nghỉ ngơi, lính cũng uống:

“…Khi dưỡng quân khề khà dăm ly đế
Ngất ngưỡng say ta học nói tiếng Miên
Quên chữ thánh hiền quên con quên vợ
Ta như than lem luốc đủ trăm miền…”
(Ba Thu - Ngô Đình Khoa)

Trên đường hành quân gặp bạn thì tất nhiên phải uống:

“…Uống đi mày, hãy uống cho cạn
Rượu trùng phùng trên đường hành quân
Lát nữa biết đâu chừng đụng trận
Có chút men đánh đấm thêm hăng…”
(Chờ xuồng qua sông tình cờ gặp bạn - Nguyễn Văn Ngọc)

Còn khi ở hậu cứ chờ lệnh hành quân, lính còn uống “dữ”:

“…Đ.m. ! Sao mày không uống đi
Mặt con gà chết thấy mà ghê
Ngày mai xung trận còn hay mất
Phú quý, công danh, một tiếng khì…”
(Ly chiến sĩ - Phạm Quang Ngọc)

Được uống rượu với địch quân quả là chuyện hy hữu, vì thế Phan Xuân Sinh đã rất “hứng chí”:

“…Những thằng lính thời nay không mang thù hận
Bạn hay thù chẳng có một lằn ranh
Thôi hãy uống. Mọi chuyện bỏ lại sau
Nếu có thể ta gầy thêm cuộc nhậu…”
(Uống rượu với người lính Bắc phương - Phan Xuân Sinh)

Còn khi đồng đội ra đi thì người lính thương bạn và lại nhớ những lần cùng uống rượu:

“…Đ.m ! Tụi bây chết thật rồi
Ta nghe hồn chết giữa mưa rơi
Bao giờ ta lại ngồi uống rượu
Cùng kể nhau nghe những chuyện rời…”
(Khóc chiến hữu - Trần Đắc Thắng)

Cũng có khi người lính uống rượu rất “triền miên”:

“…Hãy uống cạn cho lòng vơi nỗi nhớ
Rượu chất đầy: nón sắt, bình đông
Người lấy rượu đốt men xuân càng nồng
Ta say khướt để quên đời dưới đó

Dẫu là xuân, hay hạ, đông, gì cũng thế
Bởi quanh năm ta với rượu: đôi bạn già
(Tiễn thằng bạn vừa mất ta nốc đầy cốc rượu
Mừng kẻ nhập đàn ta lại cụng ly…”)
(Mưa xuân ngoài biên khu - Vũ Hoàng)

Đời lính chiến là buồn, khi phải đi đến những vùng đất lạ để chiến đấu… mang theo hình ảnh quê nhà, gia đình, vợ con, bè bạn, người yêu… mà sự gặp lại có khi chỉ là mơ ước. Những nỗi nhớ thương này có lúc là một ngậm ngùi:

“…Rồi cũng mình anh ngùi thương kỷ niệm
Giận ngày xưa quên tính chuyện ngày về
Khi dong ruổi với trăm lần lỡ vận
Bỗng nghe thèm tắm lại nước sông quê…”
(Lại một mùa xuân viễn xứ - Hoàng Lộc)

Có lúc rất nao lòng:

“…Ta cũng có mẹ già mòn mỏi đợi
Những mùa xuân biền biệt bóng ta về
Tóc mẹ trắng đã bao chiều sương khói
Mắt đìu hiu sầu mấy dặm sơn khê…”
(Chén rượu chiều ba mươi - Huỳnh Kim Sơn)

Nỗi buồn nhớ quê nhà và mẹ của Lâm Hảo Dũng rất giản dị:

“…Thương mẹ ngày xưa muốn bỏ đời
Nhớ gian nhà lá đám mồng tơi
Nhớ sân giậu cũ chùm hoa bí
Và mẫu vườn xanh ổi chín mùi…”
(Ba năm làm lính về Dakto - Lâm Hảo Dũng)

Người lính cũng biết ở quê nhà những người thân yêu vẫn từng ngày nhớ thương và chờ mong họ trở về:

“…Thôi, má ngủ đêm nay ngon giấc
Con ngồi đưa chiếc võng rách quê nhà
Đạn vòng cầu đừng đi trong đêm tối
Lệ sẽ đầy giấc má nhớ con xa…”
(Đêm cuối năm viết cho má - Nguyễn Dương Quang)

Và từng đêm nguyện cầu cho họ được bình yên:

“…Bây giờ đã tháng tư trời mây vào hạ
Mẹ chắc đang sửa soạn đi lễ chùa
Và em nguyện cầu cho anh mỗi tối
Cho người miệt mài sớm nắng chiều mưa…”
(Tường trình cho em - Phạm Văn Bình)

Làm lính xa nhà là một thiệt thòi. Có lúc người lính nhớ đến người yêu trong nỗi ngờ vực:

“…Buồn lắm em ơi nào hiểu không
Ở đây vết lệ giòng tuôn giòng
Phương kia thành phố vui bè bạn
Có nghĩ gì ta một nẻo mong?...”
(Buổi dừng quân tháng ba - Phan Nhự Thức)

Cũng có khi tình yêu lính đã nhuốm màu phản bội:

“…Ta vẫn nằm. Trên đồi gió thổi
Chim hót ban ngày, pháo dội ban đêm
Em cứ chạy theo từng mốt mới
Còn ta, uống rượu để tìm quên….”
(Nghe chim hót trên đồi 55 - Phan Xuân Sinh)

Dù vậy, người lính vẫn còn có mẹ và em để nhớ:

“Lòng nhớ mẹ phương Tây
Ý thương em chạy giặc
Xóm làng sầu khôn khuây
Đất trời thêm hiu hắt…”
(Bữa cơm ngoài chiến trường - Trần Dzạ Lữ)

Nỗi nhớ thương mẹ và em là nỗi nhớ ngập lòng:

“…Phất phơ áo lụa trên cầu
Nắng nghiêng cổ tháp ngả màu thời gian
Gió xao sóng nước mênh mang
Thương em nhớ mẹ ngập tràn nhánh sông…”
(Chiều qua sông - Trần Vạn Giã)

Còn nỗi nhớ người yêu thì luôn quay quắt:

“Em đừng hỏi ở rừng có gì lạ
Có gì đâu rừng rú điêu tàn
Nai lạc dấu-ngàn thương trăng cũ
Ta nhớ người tình quay quắt trong sương…”
(Thư gửi người ở lại - Trần Dzạ Lữ)

Nhưng, nhớ thương là vậy, còn người lính thì vẫn chưa về được vì còn bận rộn:

“…Đêm rơi sương ướt đẫm
Quả tim vết đạn hằn
Ba năm ôm súng đạn
Chưa một lần về thăm…”
(Đêm kích ở Đồn Đền - Trần Văn Sơn)

“…Chim chiều khắc khoải xa xa
Lòng buồn như ứa mắt ra đầm đầm
Tính ra, ừ đã nhiều năm
Phong trần ta vẫn biệt tăm chốn nào…”
(Ghé Krongpha ngồi nhớ - Phan Ni Tấn)

Đó là tình cảm của người lính với quê nhà, gia đình và người yêu.

Còn với địch quân thì sao?

Một điều đặc biệt, khác thường… không tìm thấy trong tâm thức người lính của một quân đội nào khác đang lâm chiến với một quân đội nào khác ở các cuộc chiến tranh nào khác. Đó là lòng thù hận hoàn toàn vắng bóng trong những bài thơ này.

Mặc dù đi đánh nhau một sống một chết, lòng thù hận không có ở những người lính QLVNCH. Không tìm thấy một câu thơ, một danh từ, một tính từ hay trạng từ nào nói lên lòng căm thù những người lính phương Bắc ở bên kia chiến tuyến là địch quân của họ.

Chính những người lính này cũng đã xác nhận như vậy; hãy nghe Lâm Chương kể về những đồng đội của mình:

“…Ơi những thằng bạn nhỏ
Cầm súng không hận thù
Dừng quân ngồi tâm sự
Lòng nao nao nhớ nhà…”
(Lá xanh hồn du mục - Lâm Chương)

Còn Nguyễn Dương Quang thì nói về chính mình:

“…Cỏ biết không ta không lòng thù hận
Lũ chúng ta một thuở thế thôi
Ngày mai cỏ sẽ thành đồng lúa
Cỏ sẽ thấy người nắm tay người…”
(Đêm kích dưới chân đồi Pá - Nguyễn Dương Quang)

Thật là những câu thơ đẹp - cái đẹp của tình người.

Khi ngồi uống rượu với địch quân, Phan Xuân Sinh đã nói:

“…Ta cũng có người yêu nhỏ dại
Mỏi mắt trông chờ song cửa quê nhà
Chuyện sống chết căn bệnh trầm kha
Đâu dễ gì thoát vòng sinh mệnh
Những thằng lính thời nay không mang thù hận
Bạn hay thù chẳng có một lằn ranh
Thôi hãy uống. Mọi chuyện bỏ lại sau…”

Và anh kêu gọi:

“…Uống với bạn hôm nay ta phải uống thật say
Để không còn phải nhìn nhau hận thù ngun ngút…”
(Uống rượu với người lính Bắc phương- Phan Xuân Sinh)

Ở trường Sĩ quan nơi đã đào tạo họ (đây là Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức hay Trường Bộ Binh hoặc trường HSQ Đồng Đế), cũng có những giờ học môn chiến tranh chính trị. Những bài học đó chỉ dạy sơ lược cho họ về chủ nghĩa CS, một thứ mà trên lý thuyết lẫn thực tiễn, chắc hẳn là họ đã thấy (với lương tri của họ) đầy phi lý và quái gở. Họ không thích “những thứ đó”, thế thôi. Hãy nghe Nguyễn Dương Quang tâm sự:

“…Có kẻ dạy ta về chủ nghĩa
Ta nghe mà có hiểu gì đâu
Chỉ biết xót xa rừng tít biển
Lòng đau như mìn chặt chân cầu…”
(Trong đêm mưa tiền đồn - Nguyễn Dương Quang)

Chiến tranh vẫn cứ tiếp diễn, những người lính miền Nam vẫn phải chiến đấu - trong tư thế của người tự vệ - và chỉ mơ ước thanh bình, để có thể trở về và sống cái lối sống của họ, cái lối sống mà họ ưa thích. Còn những người lính ở phía bên kia chưa hẳn đã cùng một tâm tư như họ. Hãy nghe Ngô Đình Khoa mô tả đối phương của anh:

“…Người làm giặc từ Bắc phương tràn tới
Giáp trận súng tay cơm vắt muối vừng
Miệng giải phóng lưỡi điêu ngoa trăm tội
Tim óc người chất ngất những hờn căm…”
(Lính thú - Ngô Đình Khoa)

Vì thế mà vẫn cứ tiếp tục đánh nhau, như lời kể của Trần Dzạ Lữ:

“…Chiều Mai Lộc núi đồi điên loạn
Quân hai bên đánh đấm mút mùa
Thằng xấu số chết vì xấu số
Bỏ vợ con đau xót ở quê nhà…”
(Chiều Mai Lộc - Trần Dzạ Lữ)

Không những phải chiến đấu để tự vệ mà lòng không thù hận, người lính chiến miền Nam còn đã xử sự rất cao thượng vì lòng nhân ái có sẵn trong họ. Hãy nghe Nguyễn Phúc Sông Hương kể trong thơ anh:

“…Đêm nay ta chẳng cần căng võng
Giường đá, ba-lô kê gối nằm
Bên kia núi địch chắc buồn lắm
Nên đốt lửa hồng xua ánh trăng…”

Đã chiếm được đỉnh cao, là một ưu thế trong chiến thuật hành quân, và biết rằng địch đang ở phía bên kia núi, ở phía thấp hơn; vậy mà người lính miền Nam vẫn không muốn đánh. Vì sao? Hãy nghe Nguyễn Phúc Sông Hương kể tiếp:

“…Mặc tiếng cọp gầm người lính trận
Gạo sấy, muối mè, ăn dưới trăng
Đỉnh cao ta chẳng cần xin pháo
Để cho địch sống qua đêm rằm…”
(Người lính làm thơ trên đỉnh núi - Nguyễn Phúc Sông Hương)

Đêm trăng đẹp quá; tiểu đoàn của anh đang “gác súng” vì đã “chìm trong mênh mông một đêm rằm…” để nghe “hồn man mác tiếng thơ rung…”. Nguyễn Phúc Sông Hương (một vị tiểu đoàn trưởng) cũng muốn cho địch được thưởng thức đêm trăng êm đẹp đó; anh không nỡ gọi pháo… Thật là hào hiệp!

Còn Trang Châu, một bác sĩ quân y của QLVNCH, sau khi chăm sóc vết thương cho một địch quân, đã làm những câu thơ như sau:

“…Nó nằm chờ tử thần
Sững sờ bắt gặp tình thương
Đồng loại
Đôi mắt sát nhân vụt bỗng hiền từ
Nhen hai giòng lệ nhỏ
Trong cuộc chiến hôm nay
Tôi xin chiến đấu
Không hận thù
Xin những vết thương bình đẳng
Cho tôi đổi một trăm chiến thắng
Lấy một giọt nước mắt kẻ thù…”
(Giọt nước mắt kẻ thù - Trang Châu)

Tình người còn thể hiện qua hai câu thơ sau đây của Ý Yên:

“…Tôi chợt thấy thương thù và yêu bạn
Chúng ta đều bình đẳng trước thương đau…”
(Sau chiến trận – Ý Yên)

Bàng bạc trong những bài thơ này, là một nỗi “thống hận”, không phải đối với địch quân, mà chỉ là đối với chiến tranh và vận rủi của đất nước.

“…Còn một ngày nhìn mặt nhau đó con
Nước cũng đã khô trong lòng giếng cạn
Chiến tranh kéo dài đã thật quá lâu
Mẹ ôm nỗi buồn không sao nói được…”
(Đêm Giáng Sinh ở Việt Nam - Hồ Minh Dũng)

Cùng một nỗi buồn này, Hoàng Lộc chỉ còn biết trách móc:

“…Bởi Thượng đế đã già nên lú lẫn
Quyền tử sinh bỏ lạc xuống tay người
Trên nước Chúa thấy ngựa về mặt trận
Trước đau thương chẳng biết khóc hay cười…”
(Lần hành quân trở về - Hoàng Lộc)

Huỳnh Hữu Võ thì chất vấn:

“…Anh ở đây dưới chân đồi nắng cháy
Vùng đất khô cằn của một quê hương
Quê hương của một giống người bị trị
Một ngàn năm, một trăm năm
Rồi còn bao nhiêu năm?...”
(Nơi anh đồn trú - Huỳnh Hữu Võ)

Huỳnh Kim Sơn thì cố quên đi nỗi buồn:

“…Tay ghì súng tạm quên niềm thống hận
Trời đã cho thêm một tuổi trên vai
Ta cùng bạn chưa tan giòng cay đắng
Buồn mà chi biển rộng với sông dài…”
(Chén rượu chiều ba mươi - Huỳnh Kim Sơn)

Mặc dù rất oán ghét chiến tranh nhưng người lính miền Nam ý thức rõ về bản chất của cuộc chiến, một cuộc nội chiến:

“…Ta bắt được người gọi tên vô sản
Người bắt được ta gọi lính ngụy quyền
Khi xưa sống tổ tiên chung một họ
Máu chia ngành giờ hết anh em…”
(Lính thú - Ngô Đình Khoa)

Vì mầm mống phân ly đã sẵn có trong huyền thoại của thuở ban đầu:

“…Ngày ấy ta theo Cha xuống biển
Người theo Mẹ một chuyến lên rừng
Ta vẫn nghĩ một ngày sum họp
Lẽ người quên bọc trứng sau lưng?”
(Trong đêm mưa tiền đồn - Nguyễn Dương Quang)

Cho nên Ý Yên lên tiếng kêu gọi:

“…Xin nghĩ đến một ngày sau chiến trận
Súng buông rồi và lửa tắt đằng sau
Kẻ sống sót nhìn nhau và sẽ nhận
Mình da vàng cùng tiếng nói như nhau…”
(Sau chiến trận - Ý Yên)

Trong chiến tranh, những người lính của QLVNCH là như thế. Có người trong số những tác giả này đã chết trận, nhiều người bị thương và mất đi một phần thân thể… Nhưng lửa rồi cũng đã tắt, chiến tranh rồi cũng đã kết thúc, để rồi những người lính này còn phải chịu đựng, không chỉ là những cơn đau nhức do mảnh đạn còn sót lại trong thân thể, mà là vết chấn thương trong tâm hồn.

Đó là những gì tiếp theo sau chiến tranh - không phải là đề tài của tiểu luận này.

Không còn nghi ngờ gì nữa khi nói đến giá trị văn học, Thơ lính chiến miền Nam là một tập thơ quý vì đã bao gồm những gì là tinh hoa của thơ do những người lính miền Nam làm ra. Đây là một dòng thơ tất yếu phải có – và đã có – trong một thời kỳ đen tối kéo dài quá lâu của đất nước. Lịch sử sẽ không lặp lại, sẽ không bao giờ có được những bài thơ như thế này trong bất kỳ một tương lai nào nữa.

Những bài thơ này, nếu không được gìn giữ, biết đâu rồi sẽ mai một, sẽ bị quên lãng, sẽ biến mất … thì quả là đáng tiếc cho tất cả chúng ta, nhất là với những nhà nghiên cứu và phê bình văn học Việt Nam.

Nguyễn Hữu Thời

(Tháng 8/2012)
(Thư Quán Bản Thảo số 55, Tháng 1-2013)
http://members.westnet.com.au/haing/thangtien2013/doctholinh.htm

2 nhận xét:

  1. Cảm ơn Ròm nhiều lắm đã khổ công sưu tập những hình ảnh và bài viết rất có giá trị. Xin phép Ròm mang về trang nhà để cùng phổ biến nghe.
    Chúc Năm Mới 2015 nhiều Vui và An Bình

    Trả lờiXóa
  2. Đêm Trên Chiến Địa

    Kính tặng chị Ca Sĩ THANH THÚY

    Nghiêng bi đông, từng giọt nhỏ xuống môi
    người bạn nằm miệng khác khô chợt hé
    vết thương trên đùi hở ra giống chẻ
    làm đôi – nhìn tựa bờ bắc bờ nam

    cả chiến trường buông một màu khói lam
    những cột khói trên thân cây tỏa sóng
    mồ hôi ướt lưng áo trận – khô giọng
    chuyển từng người chạy ra bãi trực thăng

    rừng hoang vu chợt gào lên hung hăng
    trong một thoáng rồi lặng im như thóc
    xác trùm kín poncho ai đâu khóc
    người tiễn đưa giờ biết ở nơi đâu

    làm dấu thánh, đứng im lặng cúi đầu
    mây trắng chở tang thương về cố quận
    người lính chết có đồng đội làm chứng
    không chết bờ chết bụi giữa trời mây

    may mắn thì còn giữ được cái thây
    nghĩ cho cùng – cứ cho là có phước
    cuộc chiến đấu còn đang chờ phía trước
    chút tình yêu không thể hẹn bao giờ

    ghi vội vàng trên bao thuốc câu thơ
    giọng Thanh Thúy lắng sương chùng cảnh núi
    chuyến tàu hoàng hôn – trong đêm lầm lủi
    có chở theo người con gái tiễn đưa

    chiến trường đang nóng bỏng, chợt đổ mưa
    ngỡ nước mắt từ đâu về loang nước
    đất đỏ - bùn níu chân không dừng bước
    đạn reo vui như chẳng có chuyện gì

    đêm rừng già thèm ly rượu – tràn ly
    đêm trống vắng uống vào lòng tiếng hát
    tai nghe quen nhịp đều đều đại bác
    tưởng xuân về pháo nổ ngập màu hoa ./-

    Trang Y Hạ
    Sông Poko DakTo 1971



    Trả lờiXóa

Hình ảnh xưa gom về từ mọi nơi trên mạng Net ,không phải của Ròm ,không thuộc về Ròm .Các bạn cứ tự nhiên lấy về để xem ,để cho bạn của các bạn xem hay làm tư liệu ..... sao cũng được hihi .Phần nhiều hình xưa từ trước 1975 và một ít hình xưa thuộc về cận sau 75 . Về nguồn hình đem về thì có cái có có cái không đó là do khi có khi không và "quên" cái việc "Nguồn Hình" hehehe Thông cảm nha .

Bấm vào dưới avata "Tham gia trang web này " để có thể biết bài mới của Ròm


Những bài đăng trong tầng lầu này